“Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo"

Người không chọn việc nhẹ nhàng.



Người không chọn việc nhẹ nhàng

           
  Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp giữa sân trường Trường Tiểu học Hướng Phùng (H. Hướng Hóa, Quảng Trị) mô hình bản đồ Việt Nam với đầy đủ các quần đảo, cạnh đó là bức tranh Thánh Gióng và nhà sàn Bác Hồ, tất cả đều  được ghép bằng đá cuội. Như đọc được suy nghĩ của khách, thầy Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng nhà trường giải thích: “Đối với HS Tiểu học, ngoài kiến thức từ sách vở thì những hình ảnh trực quan sinh động sẽ nâng cao hiệu quả giáo dục”. Suốt 20 năm qua, với chủ trương phát huy tính tích cực của HS trong quá trình dạy – học, thầy Nguyễn Mai Trọng luôn tìm cách cải thiện điều kiện CSVC, như trang bị máy tính, tổ chức bán trú… để rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng.
 

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Trong khi nhiều trường học ở hai huyện miền núi Quảng Trị đang loay hoay tìm mọi cách để giảm thiểu tình trạng HS bỏ học thì có một ngôi trường bên dãy Trường Sơn đã có nhiều sáng tạo trong cách tổ chức dạy - học nhằm tạo hứng thú cho HS đến lớp, giúp các em có cơ hội tiếp cận phương pháp, điều kiện dạy - học tiên tiến.

Để hoàn thành các mô hình trên, từ giữa năm 2014, cứ vào ngày nghỉ, thầy trò trường Tiểu học Hướng Phùng lại cùng nhau ra con suối gần trường, nhặt nhạnh từng hòn đá cuội. Có được mô hình chuẩn, thầy trò lại tỉ mỉ với công việc gắn đá cuội, chăm chút từng khóm cây xanh tạo nên bản đồ Tổ quốc mến yêu đầy sinh động ngay giữa sân trường. Sau bản đồ Tổ quốc, nhà sàn Bác Hồ và tượng Thánh Gióng, nhà trường tiếp tục hoàn thiện mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa xây dựng bằng nhựa mica ngay trước lối chính của dãy trường học. Giải thích về những nỗ lực của tập thể GV nhà trường, thầy Nguyễn Mai Trọng tâm sự: “Tôi muốn bồi đắp cho HS tình yêu Tổ quốc, ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo cho HS bằng những bài học lịch sử, địa lý trực quan sinh động. HS của chúng tôi hứng thú hơn khi học những bài học lịch sử của dân tộc mình, về truyền thống lịch sử của cha ông. Nếu mình cứ dạy học trò trên sách vở mà không tạo điều kiện cho các em hình dung về thực tế thì những bài học dù căn bản đến đâu cũng khó đọng lại trong trí nhớ các em. Tình yêu tổ quốc phải bắt nguồn từ sự tường tận về lịch sử của quê hương, đất nước”.
                       

Mô hình bản đồ Việt Nam làm từ đá cuội ở giữa sân trường trường Tiểu học Hướng Phùng.


Có lẽ vì vậy mà trong khuôn viên trường Tiểu học Hướng Phùng còn có một ngôi nhà sàn theo đúng truyền thống của đồng bào vùng cao, như là một nỗ lực lưu giữ lại những nét văn hóa riêng biệt đang dần bị mai một. Thầy Trọng chia sẻ: “Khoảng thời gian công tác hơn 20 năm ở vùng cao Quảng Trị, từ xã Thanh, A Xing ở vùng Lìa rồi đến Hướng Phùng, tôi đã chứng kiến nhiều sự đổi thay, đời sống kinh tế của đồng bào ngày càng được cải thiện, thế nhưng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc thì dần mai một với thời gian. Và tôi ấp ủ việc phục dựng ngôi nhà sàn theo đúng nguyên mẫu nhà sàn truyền thống của đồng bào cũng như sưu tập, trưng bày những hiện vật gắn với nếp sinh hoạt, văn hóa, để vừa là lưu giữ nhưng cũng góp phần giới thiệu cho HS hiểu hơn về văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình. Muốn gìn giữ, bảo tồn, lưu truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Bru – Vân Kiều thì phải làm sao để nó bám rễ sâu vào chính mỗi thành viên trong cộng đồng, nhất là những người trẻ, như cây rừng bám rễ sâu vào đất rừng thì mới tạo nên màu xanh của đại ngàn”.